Giải thích hiện tượng tảo nở hoa của nước

Thứ tư - 28/11/2018 10:54 20.539 0

Giải thích hiện tượng tảo nở hoa của nước

Hiện tượng nở hoa nước (water bloom) hay còn gọi là Thủy triều đỏ (red tide) là thuật ngữ chỉ sự nở hoa của các loài vi tảo.

 

Đây là hiện tượng tự nhiên xảy ra do mật độ tế bào vi tảo gia tăng lên đến hàng triệu tế bào/lít (thông thường có khoảng 10 – 100 tế bào vi tảo/ml, nhưng trong trường hợp “nở hoa” mật độ có thể lên trên 10.000 tế bào/ml) làm biến đổi màu của nước biển từ xanh lục đậm, đỏ cho đến vàng xám.

Hiện tượng thủy triều đỏ có liên quan chặt chẽ tới sự phú dưỡng của thủy vực. Nguyên nhân của hiện tượng trên có liên quan đến các yếu tố môi trường như: nhiệt độ, độ mặn và hàm lượng muối dinh dưỡng cũng như các trường khí – thủy văn. Ngoài ra, các chất thải từ hoạt động của con người như nuôi trồng thủy sản thiếu quy hoạch, sự phát triển của các nhà máy chế biến thủy sản, hóa chất… cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến sự hình thành Thủy triều đỏ.

Hiện tượng tảo nở hoa có thể gây ra rất nhiều vấn đề cho hệ thống thủy sinh: 

  • Làm biến đổi màu của nước, gây mất mỹ quan ao/hồ.
  • Làm bẩn nước, gây mùi hôi hoặc vị khó chịu.
  • Gây chết hoặc đầu độc các tổ chức sống khác trong hệ thống thủy sinh, bao gồm cả cá. 

Hiện tượng tảo nở hoa ở Việt Nam

Hiện tượng tảo nở hoa đã gặp tại thủy vực nước ngọt cũng như ở biển Việt Nam. Tại các vùng biển Việt Nam có hơn 70 loài tảo, vi khuẩn lam gây độc. Loài vi khuẩn lam Phaeocystis globosathường xuất hiện ở vùng biển Bình Thuận vào Tháng 7, Tháng 8 hàng năm.

Giữa tháng 7/2012, thủy triều đỏ ở đây xuất làm 90 % sinh vật trong vùng triều bị chết, kể cả tôm cá nuôi trong các lồng bè và làm cho 82 người phải nhập viện vì tắm biển ở đây, da bị ngứa, phồng rộp.

Năm 2004, loài vi khuẩn này đã gây ra hiện tượng thủy triều đỏ trên diện tích khoảng 40 km2 tại vùng biển huyện Tuy Phong, sinh khối của chúng dạt vào bờ biển tạo thành lớp dày, khi phân hủy làm môi trường ô nhiễm nghiêm trọng.

Tháng 6 và Tháng 7/2014, thủy triều đỏ tạo nên các trận bọt biển màu đỏ vàng ở bãi biển Mũi Né – Hòn Rơm (Phan Thiết, Bình Thuận) là nơi có nhiều resort cao cấp. Xác cá và nhiều động vật, rong tảo biển dạt vào và phân hủy, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường làm du khách không dám xuống biển tắm. Cư dân ở đây cho biết hiện tượng thủy triều đỏ thường xuất hiện ở vùng biển này vào tháng 6 hàng năm.

Trong tháng 4/2016 tại sông Ba,đoạn chảy qua xã Chư Ngọc huyện Krông Pa, Gia Lai. Nước sông trong khoảng 500 mét xảy ra tình trạng có màu xanh rêu, nổi váng và bốc mùi tanh.

Và trong năm 2017, ở một số vùng biển của Thừa Thiên Huếcũng xuất hiện tình trạng tảo nở hoa khiến nước chuyển sang màu vàng.

121022kpthiennhien01-c5516

Hình ảnh tảo nở hoa nước chuyển sang màu đỏ

Đề xuất một số giải pháp

     – Thiết lập hệ thống giám sát, quan trắc, cảnh báo chất lượng nước và hiện tượng tảo nở hoa, đặc biệt là đối với hiện tượng thủy triều đỏ.

     – Tập huấn, hướng dẫn cho nhân dân, cán bộ các địa phương ven biển, đặc biệt là ngư dân và lực lượng kiểm ngư, cán bộ ngành hải sản, các cơ sở nuôi trồng hải sản… để nhận biết, phát hiện hiện tượng tảo nở hoa và thủy triều đỏ, kịp thời thông báo cho các chính quyền và các cơ quan chức năng. Tuyên truyền về việc không ăn các hải sản bị chết tại vùng có thủy triều đỏ để tránh nhiễm độc tố từ một số loài tảo đã xâm nhập vào các hải sản. Xử lý nghiêm minh những người cố tình vi phạm, buôn bán các hải sản đã chết vì nhiễm độc tại vùng thủy triều đỏ.

     – Kiểm soát chặt chẽ các yếu tố môi trường có thể gây nên các hiện tượng này như nguồn dinh dưỡng cung cấp cho thủy vực. Nếu để nguồn chất thải chảy vào các thủy vực mà chưa xử lý đảm bảo  cũng có thể là một nguyên nhân gây ra hiện tượng tảo nở hoa.

     – Đảm bảo cho sự lưu thông của nước tại các thủy vực nước ngọt (ao, hồ, sông, suối…) để tránh tình trạng nước đọng, tích tụ các chất dinh dưỡng làm tảo phát triển mạnh. Khi tảo đã nở hoa ở một số ao, hồ mà nguồn nước thông với sông thì có thể thay nước.

     – Để phòng chống hiện tượng nở hoa của nước và thủy triều đỏ, có thể sử dụng CuSO4 0,01 % hoặc dùng ozon. Phương pháp này chỉ dùng cho những thủy vực diện tích mặt nước hạn chế, khó dùng ở biển.

     – Tiếp tục thử nghiệm các giải pháp khắc phục hậu quả do thủy triều đỏ gây ra như sử dụng đất sét dạng bột hoặc dạng lỏng với liều lượng 20 – 200 mg/m2 mặt nước để làm kết tủa các tế bào tảo độc. Thử nghiệm này đã được tiến hành ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Nguồn tin: moitruong.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 3.8 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây