Gần 200 công trình biểu tượng ở các quốc gia khắp thế giới chìm trong bóng tối khi sự kiện Giờ Trái đất diễn ra.
Sự kiện Giờ Trái đất lần thứ 13, do Quỹ Bảo vệ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) tổ chức, kéo dài trong một giờ vào tối 30/3. Chiến dịch toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và tác động của nó đối với đời sống của động thực vật trên hành tinh.
Trong ảnh, khách sạn Marina Bay Sands nổi tiếng ở Singapore tắt điện hưởng ứng sự kiện.
Tháp Eiffel, biểu tượng của nước Pháp, cũng chìm trong bóng tối một giờ.
Hàng triệu người ở 180 quốc gia đã cùng tắt đèn vào lúc 20h30 để nhấn mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và tầm quan trọng của việc bảo tồn tự nhiên.
Quang cảnh tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, một trong bốn nhà thờ lớn nhất ở Vatican, trước và sau khi tắt đèn.
"Chúng ta là thế hệ đầu tiên nhận thức rằng mình đang phá huỷ thế giới. Và chúng ta cũng có thể là thế hệ cuối cùng có thể làm điều gì đó", WWF nói. "Chúng ta có những giải pháp, chúng ta chỉ cần tiếng nói của mình được lắng nghe".
Các biểu tượng của Australia gồm cầu cảng Sydney và nhà hát Opera House trong sự kiện Giờ Trái đất.
Thành cổ ở thủ đô Athens, Hy Lạp, cũng tham gia Giờ Trái đất.
Thánh đường St Basil ở thủ đô Moskva, Nga.
Tháp Nam San và tường thành cổ Hanyangdoseong ở Seoul, Hàn Quốc trước và sau khi chìm trong bóng tối.
Tại Hong Kong, nhiều toà nhà lớn dọc Cảng Victoria cũng tắt bớt những loại đèn không cần thiết vào 20h30. Các công trình nổi tiếng khác trên thế giới như toà nhà Empire State ở New York, tháp Burj Khalifa ở Dubai, Điện Kremlin ở Moskva cũng tắt đèn vào tối qua.
Các cô gái Indonesia thắp nến nhân Giờ Trái đất ở Surabaya, tỉnh Đông Java.
Sự kiện diễn ra sau khi báo cáo của WWF hồi tháng 10 cho hay 60% động vật có xương sống đã bị xoá sổ bởi các hoạt động của con người kể từ năm 1970. Nhiều loài động vật khác cũng giảm đáng kể do nạn phá rừng, sự đô thị hóa và công nghiệp hoá.
Hoạt động tắt đèn, thắp nến trước toà nhà quốc hội Pakistan ở thủ đô Islamabad.
Năm ngoái, Giờ Trái đất diễn ra tại hơn 7.000 thị trấn và thành phố tại 187 quốc gia. Ngoài hoạt động tắt đèn mang tính biểu tượng, WWF còn tổ chức thành công nhiều chiến dịch về môi trường như cấm túi nilon ở quần đảo Galapagos và trồng 17 triệu cây ở Kazakhstan.
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc